Ngoài giờ làm việc ngày hôm nay Mita nghĩ mãi về bốn người:
- Người thứ nhất là: Sư Cô Nhân Trúc
- Người thứ hai là: Cô bệnh nhân U70, K phổi năm thứ 4, di căn não, di căn xương
- Người thứ ba là: Anh bệnh nhân U30, K giáp
- Người thứ tư là: Ông của người bạn U100 đã mất
Đầu tiên, Mita kể về Sư Cô Nhân Trúc (người vượt qua căn bệnh K máu):
Năm 2003, Sư Cô Nhân Trúc đang học 12, với nhiều hoài bão trở thành một Luật sư giỏi, đi du học. Không may, cô mắc bệnh K máu, Bác sĩ bảo “bệnh cháu nặng quá, cháu chỉ còn sống 2 tháng nữa thôi”. Gia đình nghèo quá, cô nói người thân “con không chữa trị đâu, tốn tiền lắm và đằng nào con cũng chết sớm thôi”. Cô rơi vào trầm cảm, không nói chuyện gì với ai, thân yếu ớt. Mỗi ngày của Cô trôi qua buồn thương lắm. Cô kể: “sáng thức dậy, còn sức thì giúp bà tí việc như quét nhà, rồi ra gốc cây ngồi mãi đến chiều tối khi mọi người ngủ hết thì cô mới vô nhà. Cô ngồi đó, buồn tẻ, nhìn bầu trời khóc than “tại sao con lại thế này, con còn nhiều ước mơ, nhiều thứ muốn làm để giúp chính mình, và gia đình nữa cơ mà”. Ngày nào cũng vậy. Cô còn sống mà như đã chết. Một ngày kia, rằm tháng tám đến, Cô nhìn lên bầu trời lúc này thấy Ông Trăng đẹp vô ngần, Cô tưởng tượng có hình ảnh Ông Bụt đang nhìn Cô, Cô nói ‘Bụt ơi, nếu Ông thấy con có ích cho mình, cho gia đình thì Ông cứu con với”. Cô nhìn Ông Trăng đẹp vô ngần đó và nhớ mãi cảm xúc đó. Ngày hôm sau thức dậy, Cô cảm thấy lòng mình tràn đầy năng lượng, mọi người ai cũng ngạc nhiên. Và Cô bắt đầu không ăn động vật nữa (cô nghĩ trong truyện ông Bụt chỉ ăn rau cỏ không sát sinh). Khoảng 1,5 tháng sau đó, Cô đi vào ngôi chùa, lần đầu tiên trong đời Cô thấy hình Phật nhưng Cô không biết Phật, cứ nghĩ Ông Bụt này đẹp hơn Ông Bụt ở trên cung Trăng ngày trước. Cô quỳ xuống và khẩn: “Bụt ơi, Bụt thấy con có ích cho mình, có ích cho gia đình Bụt chỉ con cách để con có thể sống Bụt ơi”. Cô về nhà tràn đầy năng lượng hơn nữa. Vui hơn nữa. Rồi từ đó, Cô thường xuyên đến chùa, quét rác, rồi ngồi im lắng nghe mọi người đọc Kinh. Cách Cô khác thường so với các bạn trẻ tuổi 18 thời đó, trầm ngâm không nói chuyện, Sư Cô ở chùa thấy vậy bèn hỏi thăm sự tình. Sau đó, Cô bén duyên với Kinh kệ. Cô kể Cô không hiểu gì về Kinh kệ nhưng Cô không có cái phao nào khác lúc đó, Cô chỉ có một chiếc Phao duy nhất là những bài Kinh kệ này. Cô miệt mài ngày đêm đọc, hiểu. Ngày qua ngày, tâm Cô sáng ra, Cô không còn sống với tương lai nữa, Cô cảm thấy mình nhẹ nhàng lắm, Cô không còn sợ chết nữa mà Cô bắt đầu suy nghĩ khác “Nếu mình có ích thì sống tiếp, nếu mình chết đi thì mau chóng chuyển thành kiếp khác ở nơi khác lại tốt hơn”. Lòng nhẹ tênh! Cô kiên trì như thế được 1 năm. Ngày tròn 1 năm ấy, bà Cô đưa Cô đi kiểm tra sức khoẻ, Cô đã không còn mắc bệnh K máu nữa. Cũng ngay ngày đó, Cô cuốn gói xin đi tu bởi vì Cô nghĩ về lời nguyện với Ông Bụt năm xưa. Và Cô Nhân Trúc đã sống đến tận bây giờ, năm nay Cô 38 tuổi.
Người thứ hai, Cô K phổi U70 di căn não, di căn xương năm thứ 4. Cô là một người làm trong nghành y trước đây. Cô luôn nói với mình: “Cô không sợ chết, cô kiên cường lắm, cô nỗ lực lắm, cô đau nhiều thì cô bảo đau chút xíu thôi. Tuy nhiên, Cô luôn nghĩ “bệnh mình vậy trước sau gì cũng chết”. Khuôn mặt cô lúc nào cũng buồn rầu, khắc khổ, rầu lắm. Thương!
Người thứ ba, anh thanh niên trai tráng U30 bị K giáp, một bệnh K dễ chữa trị nhất trong các bệnh K. Tuổi trẻ, nhà có điều kiện vững vàng. Anh chỉ có một nỗi sợ duy nhất “Sự chết trẻ”. Anh cũng nỗ lực lắm nào ăn xanh, thể dục, ai bảo gì anh cũng thử. Tuy nhiên, mỗi ngày trôi qua của anh trong sự thấp thỏm lo âu. Nào: sao khối u mình chưa nhỏ lại, sao lại có khối u nữa nè, sao khó nuốt hơn, hình như khó hơn ấy, …. Vài ba tuần anh lại đi tìm bác sĩ siêu âm, kiểm tra, chọc chích. Rồi anh làm điều gì cũng cố che giấu mọi người xung quanh, sợ họ nghĩ anh bị bệnh ung thư. Nỗi sợ của anh đã làm anh ngày càng tệ hơn, điều vô cùng đơn giản bỗng trở nên phức tạp. Anh bế tắc. Thương!
Các bạn yêu mến!
Mita cũng không biết mình sống được bao lâu nhưng hơn 10 năm trước, Mita chứng kiến hình ảnh của cụ Ông U100 ra đi như một vị Thánh (Mita chưa biết vị Thánh như nào, nhưng hình ảnh của Ông giống vị Thánh hay nghe kể trong Kinh, trong truyện). Chiều hôm trước Ông gọi tất cả con cháu về, Ông dặn dò từng người một. Mita không thân thuộc với Ông như gia đình, nhưng Mita có nhân duyên yêu mến Ông. Mita cũng về nhà Ông trong những ngày đó. Sau dặn dò từng người một, Ông bảo “Trưa mai, Ba đi rồi, Các con ở lại đoàn kết, nâng đỡ. Và, Ông dặn luôn hậu sự phải làm như nào ra sao …?”. Đêm đó Ông vẫn ngủ như mọi khi. Sáng hôm sau, Ông thức dậy như thường lệ, Ông nhờ người con gái đầu chuẩn bị cho Ông chậu nước sạch để tắm và bộ đồ trắng (đồ Ông thường mặc khi có dịp trịnh trọng). Ông tự tắm rửa, mặt đồ chỉnh tề, lên giường nằm, đặt hai bàn tay lên bụng, chồng lên nhau. Các con cháu quây quần, Ông nhìn mọi người một lượt và nhắm mắt. Ngay lúc đó, Mita nói với mình “mình cần nỗ lực để lúc mình ra đi được như Ông, thật ngầu!”
Bạn thân mến!
Sống lâu trong đau khổ, dằn vặt, sợ hãi thì sống lâu thật sự quan trọng hay chỉ cần phút giây trọn vẹn là quan trọng các bạn nhỉ? Mỗi chúng ta không ai có quyết định đời mình giống nhau, cũng không ai có thước đo giống nhau, nhưng chúng ta đang cố gắng áp dụng cùng một phương pháp. Liệu chúng ta có nhận được cùng một kết quả không?
Kinh nghiệm làm việc bao năm của mình có thể trả lời “KHÔNG”. Phương pháp đúng chỉ đưa bạn đoạn đường ngắn, để bạn chiến thắng đoạn đường còn lại hoàn toàn phụ thuộc vào chính bạn!
- Nếu đã nghĩ rằng không thu được kết quả thì ngay từ đầu hãy đừng có nỗ lực bắt đầu. Nếu nghĩ rằng: bệnh của mình không thể cứu được nữa, thay vì chạy ngược xuôi để cứu sống thân thể, hãy dành thời gian để tìm thấy chữ AN trong TÂM HỒN và chuẩn bị SỰ RA ĐI THẬT NGẦU. Hiểu rõ thân thể, tâm hồn, linh hồn mình.
- Nếu đã quyết định nỗ lực bắt đầu hãy đặt trọn niềm tin yêu vào đấy. Sống trọn vẹn từng phút giây, xây dựng một đời sống tinh thần vững chãi, mở tâm yêu thương rộng lớn.
Cảm ơn bạn đã đọc những suy nghĩ của tôi!